Giấy ăn đã gần như trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của bất cứ ai. Khi chưa có giấy ăn, người ta dùng khăn vải để lau tay. Tuy nhiên lâu dần, vì sự tiện lợi chỉ dùng một lần không phải giặt đã khiến cho giấy ăn trở thành mặt hàng bán chạy và được nhiều công ty đua nhau sản xuất. Và cũng giống như vô số các phát minh vĩ đại khác của loài người, giấy ăn cũng có sự ra đời và phát triển riêng của nó.
Giấy ăn ra đời như thế nào?
Bài viết về nguồn gốc của giấy ăn được đăng trên tờ Obscura bắt đầu bằng việc mô tả về thói quen ăn uống của những người Sparta thời Hy Lạp cổ đại. Ngày đó, họ ăn mọi thứ đều bằng tay chứ chưa có đũa, thìa, dĩa như bây giờ. Và để làm sạch tay sau khi ăn, họ phải dùng bột mềm để chà xát. Còn ở những bữa tiệc lớn, người ta thường đặt chậu nước và khăn để thực khách rửa tay sau khi kết thúc bữa ăn.
Trong khi đó, giấy được phát minh đầu tiên ở Trung Quốc và theo 2 nhà nghiên cứu lịch sử Joseph Needham và Tsien Tsuen-Hsuin thì giấy đã được vận dụng để làm giấy ăn vào thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Vào thời Trung cổ, ở châu Âu, người ta không dùng giấy ăn mà lau tay và mặt bằng bánh mì, áo sơ mi hay bất cứ thứ gì có thể chùi sạch ở xung quanh. Để tiện nhất, họ đặt một chiếc khăn trải bàn dài để mọi người có thể lau tay chung. Sau đó một thời gian dài, giấy ăn mới được đưa vào sử dụng "thử".
Mô phỏng bàn ăn với tấm khăn trải bàn to có chức năng làm khăn lau tay chung cho tất cả mọi người.
Màn ra mắt của giấy ăn ở mỗi quốc gia là một câu chuyện
Vào thế kỷ 19, khăn giấy mới được giới thiệu ở châu Âu nhờ vào sự giúp đỡ của thị trường Nhật Bản. Đó là vào năm 1887, khi một công ty tên là John Dickinson Ltd của Anh đã mua khăn giấy từ Nhật Bản về in logo đè lên rồi bán ở thị trường trong nước như một món quà lưu niệm. Sản phẩm trông rất nổi bật nhưng những người tiêu dùng ở xứ sở sương mù thì lại coi đó như là một thảm họa trên bàn ăn. Hầu hết mọi người đều tỏ ra hoài nghi về khăn giấy.
"Khăn giấy ư? Thật là một điều vô nghĩa. Chúng có ích gì?" là một trong rất nhiều câu cảm thán của các bà nội trợ khi nghe rằng có một loại khăn làm bằng giấy có tác dụng lau tay được đặt trên bàn thay vì khăn vải như thường thấy. Họ hình dung ra trước mặt họ là những hình vuông giấy trắng, mỏng tang và sẽ bị rách ngay lần đầu tiên chạm vào. Họ thở dài vì sự phù phiếm của người Nhật, những người đã vắt óc suy nghĩ làm nên thứ này.
Giấy ăn từng bị nhiều người nghi ngại về giá trị sử dụng.
Tuy nhiên, sau một thời gian len lỏi vào cuộc sống của chính người Anh thì khăn giấy đã thay đổi hoàn toàn giá trị. Những tờ giấy ăn hình vuông nhỏ nhỏ xinh xinh xuất hiện ở mọi bữa tiệc từ trong nhà đến dã ngoại. Các khách sạn và nhà trọ rồi sau đó là nhà hàng, tàu hơi nước cũng bắt đầu thấy thích thú với sản phẩm này.
Tuy nhiên, dù được chấp nhận như vậy nhưng khăn giấy lại vẫn bị coi là sự sai lầm. Một bước ngoặt lớn đã đến vào năm 1948 khi chuyên gia nghi thức người Mỹ Emily Post cho giấy ăn một con dấu phê duyệt, tức là đưa giấy ăn vào danh mục những thứ cần có trên bàn ăn cũng như viết một vài nguyên tắc khi dùng sản phẩm này. Và khi được hỏi liệu có tốt hơn khi sử dụng khăn giấy thay vì khăn vải không thì cô ấy đã lựa chọn khăn giấy. Thế là từ đó khăn giấy chính thức bước vào cuộc sống của những người dân ở một nước phát triển như nước Mỹ.
Sản phẩm giấy ăn của hãng gà rán KFC.
Có một điều mà nhiều người sẽ khá băn khoăn đó là khăn giấy có sự khác biệt lớn đối với khăn vải đó là nó chỉ được dùng duy nhất 1 lần, và không thể tái chế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì cũng không cần thiết phải tái sử dụng lại khăn giấy, vì nhiều lý do.
Một trong những lý do đó là khi khăn giấy đến tay người dùng thì nó đã đi gần hết vòng đời rồi. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ thì giấy thường được tái chế 5, 7 lần trước khi hết hạn sử dụng. Và khăn ăn, giấy vệ sinh và các loại giấy dùng 1 lần khác thường có xu hướng ở gần cuối chu kỳ đó. Chúng về cơ bản được hình thành từ một lớp nước và giấy cũ.
Điều đó có nghĩa là nếu ta cầm trong tay một tờ giấy ăn thì nó cũng được tái chế nhiều lần trước rồi nên thành phần sẽ là những sợi giấy ngắn đến nỗi không thể dùng lại cho lần sau nữa. Nói theo một cách nào đó, giấy ăn tái chế đã là một quy trình tái chế vô cùng thành công rồi.
Giấy ăn là giấy đã được tái chế nhiều lần.
Khăn giấy tái chế không thật sự an toàn?
Ngoài ra, khi dùng giấy thì những con vi khuẩn cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Một nghiên cứu vào năm 2011 từ Tạp chí Kiểm soát Nhiễm khuẩn Mỹ thì giấy ăn chưa sử dụng mà là loại tái chế thường có nhiều vi trùng gấp 100 đến 1000 lần giấy được làm từ bột giấy nguyên chất. Tuy nhiên, cũng chưa có báo cáo nào về việc người tiêu dùng bị bệnh khi sử dụng những tờ giấy tái chế này. Các nhà nghiên cứu cũng nói rằng vấn đề thực sự chỉ nằm ở việc người ta dùng khăn giấy trong bệnh viện, nơi bệnh nhân có khả năng miễn dịch thấp hơn người bình thường.
Và vấn đề đáng nói hơn, hóa ra lại là nguy cơ ô nhiễm môi trường. Có ai biết rằng những chiếc hộp đựng pizza tuy là giấy bìa nhưng không thể tái chế không? Lý do là bởi chúng đã bị lẫn dầu từ đồ ăn nên rất khó để tách ra khỏi giấy trong quá trình tái chế. Đương nhiên, giấy ăn cũng nằm trong danh mục này. Và chính vì điều đó nên đã có khá nhiều các công ty trên thế giới lựa chọn sản xuất giấy ăn có thể tự phân hủy nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Ngày càng có nhiều công ty trên thế giới chọn sản xuất giấy ăn tự hủy sinh học.
Trải qua thời gian, giấy ăn bây giờ ngoài chức năng làm sạch còn được coi như là một chi tiết trang trí trên bàn ăn. Những sản phẩm với màu sắc sặc sỡ, chi tiết tinh xảo cũng được các công ty chú ý sản xuất nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Nhìn những tờ giấy ăn đặt trên bàn, được tạo hình thành nhiều hình dáng độc đáo hẳn ai cũng cảm thấy bữa ăn thêm ngon miệng và vui vẻ biết chừng nào.
Giấy ăn ngày nay được sản xuất với đủ loại màu sắc và qua những bàn tay khéo léo lại có hình dáng tuyệt đẹp.